Du học các nước

Đại sứ Michael W. Michalak giao lưu trả lời trực tuyến DH Mỹ

Đại sứ Michael W. Michalak giao lưu trả lời trực tuyến DH Mỹ

Câu hỏi: Xin ông cho biết những tiêu chí quan trọng nhất cho việc tiếp nhận một sinh viên vào học tại một trường đại học Hoa Kỳ. Cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu, đã nói Singapore chỉ chấp nhận hai loại sinh viên, hoặc giàu có hoặc phải học thật giỏi. Vậy nếu tôi không có đủ tiền để đi học ở Mỹ và không có đủ khả năng để xin học bổng của VEF, nhưng tôi thực sự mong muốn đến Mỹ học thạc sỹ toán học và tìm hiểu vì sao Mỹ trở thành một siêu cường, ông sẽ có lời khuyên nào cho tôi để đạt được ước mơ này?

Đại sứ Michalak: Một câu hỏi rất hay. Cảm ơn bạn về câu hỏi này.Chúng tôi chào đón tất cả các sinh viên, những người thực sự mong muốn đến du học ở Mỹ. Mỹ có hơn bốn nghìn trường đại học được công nhận. Tôi tin rằng, trên thực tế, nước Mỹ có trường học cho tất cả mọi người.Có một số yêu cầu bạn cần đáp ứng để xin được visa và đến Mỹ du học. Tài chính là một yêu cầu quan trọng, nhưng bạn không nhất thiết phải có đủ tài chính ngay lập tức. Điều bạn cần có là kế hoạch chi trả cho các chi phí học tập tại Mỹ.Chúng tôi cũng cần xem bằng chứng cho thấy bạn có khả năng học tập tốt tại một môi trường giáo dục của Mỹ. Điều này có nghĩa là bạn cần có thành tích học tập tốt.Ngoài ra, bạn cũng cần có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt, đủ để bạn có thể học tập tốt tại trường đại học và thích ứng với môi trường xã hội mới.Cuối cùng, bạn cần chứng minh cho chúng tôi thấy bạn sẽ quay trở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp.Tôi nghĩ bạn có thể tìm thông tin về vấn đề này, cũng như rất nhiều thông tin khác trên trang web của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ. Địa chỉ hai trang web này làhttp://hanoi.usembassy.gov và http://hochiminh.usconsulate.gov.

 

Câu hỏi: Câu hỏi thứ hai của độc giả vừa rồi: Ông có cho rằng với việc học tập tại Hoa Kỳ và trở về Việt Nam làm việc, tôi sẽ có thể giúp Việt Nam trở thành một cường quốc như nước Mỹ hay không?

Đại sứ Michalak: Tôi hoàn tin tưởng điều đó. Trên thực tế, tôi cho rằng Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc như Hoa Kỳ dù bạn có đến Mỹ du học hay không. Nhưng tôi nghĩ rằng bạn có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của Việt Nam nếu bạn có lợi thế là được học tập tại Hoa Kỳ và có thời gian sống và làm việc bên ngoài lãnh thổ ViệtNam. Tôi tin rằng nền tảng giáo dục quốc tế là một tài sản tuyệt vời cho mỗi cá nhân, những ai muốn giúp Việt Nam hội nhập hơn nữa với thế giới.

 

Câu hỏi: Nước Mỹ là một nước giàu mạnh và có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới. Chính phủ Mỹ có chính sách cụ thể nào để giúp đỡ sinh viên các nước nghèo, như Việt Nam chẳng hạn, để họ có thể đến Mỹ du học hay không? Các trường đại học của Mỹ có thể miễn 50-90% học phí cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên có việc làm thêm trong thời gian đi học, v.v. Ông nghĩ sao về gợi ý này?

Đại sứ Michalak: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chính phủ Mỹ có rất nhiều chương trình học bổng hiện do chúng tôi quản lý. Một trong số đó là học bổng Fulbright. Chương trình này đã đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học, cũng như đưa nhiều học giả Mỹ đến và làm việc tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng tài trợ Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF. Quỹ này hàng năm đưa gần 100 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học trong các ngành khoa học và công nghệ.Nhiều trường đại học Mỹ cũng đang cung cấp nhiều cơ hội học bổng đặc biệt cho sinh viên nước ngoài, qua đó các sinh viên có thể được nhận hỗ trợ tài chính để chi trả cho việc học tập tại Mỹ. Ngoài ra, nhiều công ty Mỹ cũng có chương trình cấp học bổng và các khóa đào tạo cho sinh viên Việt Nam, giúp đưa sinh viên Việt Nam sang Mỹ học hoặc được đào tạo một số môn học nhất định ngay tại Việt Nam. Như vậy, một lần nữa, tôi đề nghị các bạn vào thăm trang web của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ. Tại đó các bạn có thể tìm thấy đường dẫn đến các trang web khác với nhiều thông tin về các chương trình hỗ trợ tài chính khác nhau hiện có tại Hoa Kỳ.

Câu hỏi: Tôi đọc một số thông tin và được biết một số trường đại học lớn của Mỹ gần đây đã giảm 50% học phí, đồng thời sinh viên đến từ các gia đình nghèo với thu nhập ít hơn 60.000 đô-la một năm sẽ không phải trả học phí. Ông Đại sứ có thể cho biết chính sách này có áp dụng với sinh viên nước ngoài đang theo học thạc sỹ tại Mỹ hay không?

Đại sứ Michalak: Phải nói rằng tôi không biết rõ lắm về chương trình này. Theo suy đoán của tôi, và tôi không biết suy đoán đó có đúng hay không, thì chương trình này không áp dụng cho sinh viên nước ngoài đến Mỹ du học. Nhưng như tôi đã nói, tôi cho rằng ở Mỹ hiện có rất nhiều chương trình học bổng khác nhau dành cho sinh viên nước ngoài.Hiện nay nhiều trường đại học và các công ty tư nhân của của Mỹ đang xây dựng quan hệ đối tác với các trường đại học của Việt Nam. Một số chương trình đang được triển khai của họ có thể, tôi nhấn mạnh là có thế, hỗ trợ giảm học phí cho sinh viên ViệtNam. Hiện tại thì tôi chưa biết đó là những trường nào và các chương trình của họ là gì. Tôi sẽ tổ chức một hội nghị giáo dục trong tuần tới dành cho các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục của Mỹ. Một trong những lý do chính khiến tôi quyết định tổ chức hội nghị này là việc tôi không biết nhiều về tất cả các chương trình mà họ cung cấp.Một trong những việc tôi muốn làm tại hội nghị tuần tới là tìm hiểu xem hiện đang có chương trình đối tác nào giữa các tổ chức Mỹ có nguyện vọng hỗ trợ cải thiện các cơ hội giáo dục tại Việt Nam. Sau khi biết hiện nay chúng ta đang có những chương trình nào, những hoạt động hợp tác nào, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục đối thoại mạnh mẽ với Chính phủ ViệtNam. Qua đó, hai bên sẽ tìm hiểu những gì Hoa Kỳ có thể tiếp tục làm để giúp đỡ cải thiện các cơ hội giáo dục tại Việt Nam cũng như cho sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ.

 

Câu hỏi: Tôi hiện có một con trai du học tại Mỹ từ 2005. Con trai lớn của tôi sắp tốt nghiệp một trường đại học ở Việt Nam và cũng muốn học thạc sỹ ở nước ngoài. Nếu cháu muốn sang Mỹ học thì có gặp trở ngại gì không vì có em trai cũng đang học ở Mỹ?

Đại sứ Michalak: Không có vấn đề gì hết. Cháu cứ việc nộp hồ sơ và sẽ được xét trên cơ sở các điều kiện và kết quả học tập của cháu. Việc cháu thứ hai của anh hiện đang học ở Mỹ sẽ không ảnh hưởng gì đến quá trình xét duyệt.

 

Câu hỏi: Câu hỏi thứ hai của độc giả vừa rồi là liệu ông Đại sứ có thể cho biết về mức học phí học cao học tại Mỹ và liệu sinh viên học cao học tại Mỹ có được phép đi làm thêm hay không?

Đại sứ Michalak: Về vấn đề học phí và việc bạn có được phép đi làm thêm hay không, tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để có thông tin chính xác về học phí là tra cứu Internet. Mỗi trường đại học của Mỹ có mức học phí khác nhau. Trên toàn nước Mỹ cũng có rất nhiều chương trình khác nhau. Như vậy không thể trả lời câu hỏi này của bạn một cách đơn giản. Về việc bạn có được phép đi làm thêm hay không, điều đó phụ thuộc vào chương trình học của bạn, vào việc bạn đang học năm thứ mấy, v.v. Có nhiều yếu tố quyết định việc đó. Câu trả lời ngắn gọn là có, có các chương trình cho phép bạn đi làm thêm. Tuy nhiên, tôi khuyên bạn nên trao đổi với một cán bộ lãnh sự của chúng tôi để tìm hiều các điều kiện cho phép bạn đi làm thêm. Ngoài ra, tại nhiều trường đại học, chương trình học thạc sỹ cũng cung cấp cơ hội làm việc cho sinh viên theo học. Thường đó là các công việc như trợ lý nghiên cứu hoặc trợ giảng, v.v. Vì vậy bạn cần tìm hiểu từng trường, vì thực tế có rất nhiều cơ hội và các chương trình khác nhau dành cho sinh viên nước ngoài đến Mỹ du học.

 

Câu hỏi: Tôi được biết khi đến Việt Nam đảm nhiệm cương vị Đại sứ, ông đã cam kết sẽ tăng gấp đôi số sinh viên Việt Nam đến Mỹ du học. Ông có thể cho biết Chính phủ Mỹ có chính sách gì để hỗ trợ sinh viên Việt Nam đến Mỹ? Ví dụ như học bổng toàn phần, trợ giúp tìm kiếm công việc làm thêm vào mùa hè, trợ giúp chi phí đi lại, v.v.?

Đại sứ Michalak: Một câu hỏi rất hay. Tôi sẽ rất vui nếu có thể cấp cho mỗi người dân Việt Nam một suất học bổng toàn phần, một công việc tốt và một chỗ ở tuyệt vời tại Mỹ. Nhưng rất tiếc tôi không thể làm được như vậy. Nhiều sinh viên e ngại xin visa đi học vì họ nghĩ việc này rất khó. Cũng có nhiều bạn nghĩ rằng sẽ không có cơ hội đi làm thêm trong thời gian đi học hoặc không có cơ hội xin được học bổng tại Mỹ. Đây là những lý do khiến cho nhiều sinh viên không cân nhắc việc du học tại Mỹ. Một trong những việc chúng tôi đã và đang làm là tăng cường đối thoại trực tuyến như thế này, cũng như tăng số lần nói chuyện về vấn đề giáo dục với người dân Việt Nam để phổ biến thông điệp rằng có rất nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Tôi cũng đã yêu cầu nhân viên bộ phận Lãnh sự đi ra ngoài thực hiện nhiều buổi nói chuyện để phổ biến cho các bạn các yêu cầu đối với việc xin cấp visa du học. Việc càng có nhiều thông tin sẽ khiến các bạn dễ dàng đưa ra quyết định hơn về việc mình có thể đến Mỹ du học hay không.Chúng tôi thấy rằng số visa du học được duyệt trong năm nay, đặc biệt là nửa cuối năm, đã tăng đáng kể. Tôi cho rằng chúng tôi đang làm tốt việc thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam đến Mỹ.Chúng tôi cũng đang thực hiện một số công việc khác. Những việc đó sẽ cần thêm một chút thời gian nữa, nhưng tôi hy vọng sẽ mang lại kết quả là số sinh viên Việt Nam sang du học Mỹ sẽ tăng lên, đồng thời sẽ có thêm nhiều cơ hội giáo dục theo phương pháp của Mỹ tại Việt Nam. Ví dụ, tại Mỹ tôi đang xin cấp ngân sách nhiều hơn nữa cho chương trình học bổng Fulbright. Tôi cũng đang xin thêm ngân sách cho các chương trình giáo dục khác, trong đó có chương trình đào tạo tiếng Anh. Những việc này cần thời gian, nhưng chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để xem liệu chúng có khả thi hay không.Một trong những lý do của việc tổ chức hội nghị giáo dục tuần tới là thông qua việc xem xét tất cả các chương trình đưa sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học đang được triển khai, tôi muốn tìm hiểu liệu có cách nào có thể giúp các chương trình này hoạt động hiệu quả hơn nữa, đưa được nhiều sinh viên sang Mỹ hơn nữa. Như vậy, chúng tôi đang cố gắng cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt và cải thiện các quy trình theo hướng minh bạch hơn, dễ hiểu hơn cho người dân Việt Nam. Chúng tôi cũng cố gắng tăng cường các nguồn lực để giúp sinh viên Việt Nam sang Mỹ, mở rộng quan hệ đối tác để có thể đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ hơn nữa. Chúng ta sẽ xem các chương trình này sẽ thành công như thế nào trong những năm tới.

 

Câu hỏi: Liệu có thể xin học bổng cho các ngành khoa học xã hội như báo chí, văn chương hay không?

Đại sứ Michalak: Chắc chắn rồi. Bạn có thể xin học bổng, xin trợ giúp tài chính cho bất kỳ khóa học nào bạn muốn theo tại Mỹ. Có một số tổ chức cấp học bổng cho các ngành học đặc biệt. Tuy nhiên, các trường đại học luôn có các chương trình học bổng và các chương trình hỗ trợ tài chính dành cho bất cứ ngành nào bạn muốn theo học.

 

Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật. Tôi có tật ở một chân. Tôi đã tốt nghiệp khoa tiếng Nga và tiếng Anh tại một trường đại học của Việt Nam. Hiện tôi làm biên tập viên cho một đài truyền hình địa phương. Tôi muốn sang Mỹ học ngành truyền thông báo chí. Ông có nghĩ rằng ở Mỹ có các trường chấp nhận người khuyết tật vào học hay không?

Đại sứ Michalak: Chắc chắn là có. Không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với người khuyết tật tại các trường đại học của Mỹ. Trên thực tế, không có bất kỳ sự kỳ thị nào đối với người khuyết tật ở mọi lĩnh vực trong xã hội Mỹ. Đó là luật của chúng tôi. Chúng tôi không được phép và không bao giờ có thái độ kỳ thị đối với những người khuyết tật muốn sinh sống tại Mỹ, dù là để học tập, làm việc hay vui chơi. Không hề có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào như vậy.

 

Câu hỏi: Ông có thể cho biết các chính sách của trường đại học Mỹ trong việc khuyến khích sinh viên giỏi? Mỹ có chính sách cho phép sinh viên giỏi vay tiền học và hoàn trả trong ba năm sau khi tốt nghiệp hay không? Giống như chính sách của Singapore?

Đại sứ Michalak: Tôi không biết chắc chắn về việc các trường đại học quyết định hỗ trợ tài chính cho từng dạng sinh viên của mình như thế nào. Thông thường sinh viên giỏi có thể được cấp học bổng dựa trên kết quả học tập. Nhưng cũng có nhiều hình thức trợ giúp tài chính khác cho tất cả các sinh viên bất kể họ đạt kết quả học tập như thế nào. Như vậy, mọi người đều có thể tiếp cận các chương trình tín dụng sinh viên. Bạn cần tham khảo trang web của từng trường để biết các chương trình cụ thể họ có là gì, vì mỗi trường có các chương trình khác nhau và số lượng các chương trình là rất lớn.

 

Câu hỏi: Hiện tại tôi đang du học tại Hàn Quốc và tôi muốn xin visa sang Mỹ để học tiếp. Nhưng tôi được biết nếu muốn xin visa đi Mỹ, tôi cần phải có một cuộc phỏng vấn trực tiếp. Tôi đang học ở Hàn Quốc, vậy tôi có thể đến Đại sứ quán Mỹ ở Hàn Quốc để phỏng vấn hay không? Câu hỏi thứ hai là trường nào ở Mỹ cấp học bổng cho sinh viên học cao học ngành viễn thông?

Đại sứ Michalak: Với câu hỏi thứ nhất của bạn, tôi xin trả lời là có. Bạn có thể đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ tại Hàn Quốc ở Seoul, Busan hoặc bất cứ đâu có lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Mỹ. Bạn có thể đến đó để nộp đơn xin cấp visa vào Mỹ.Câu hỏi thứ hai của bạn là về các trường chuyên về lĩnh vực viễn thông. Có rất nhiều trường chuyên về lĩnh vực viễn thông. Và hầu hết các trường đều có chương trình học về kỹ thuật điện tử, viễn thông hoặc máy tính ở các khoa kỹ thuật hoặc khoa học của mình. Các chương trình này sẽ giúp bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông. Nếu bạn quan tâm đến một ngành học cụ thể nào đó và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin liên quan trên Internet, tôi khuyên bạn nên đến Phòng Văn hóa-Thông tin của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ gần nhất để được giúp đỡ. Hầu hết các văn phòng này đều có máy tính và có nhân viên có thể giúp bạn tìm kiếm hay giới hạn phạm vi tìm kiếm để tìm được đúng thông tin bạn cần.

 

Câu hỏi: Tôi có con đang học năm thứ ba tại Mỹ. Sang năm, cháu dự định sang thăm họ hàng ở Áo. Tôi muốn hỏi nếu cháu sang Áo, cháu có gặp khó khăn gì khi xin visa quay trở lại Mỹ để tiếp tục học hay không?

Đại sứ Michalak: Không, tôi không nghĩ sẽ có khó khăn gì khi xin visa quay lại Mỹ để tiếp tục học. Tôi khuyên cháu nên đến cơ quan xuất nhập cảnh gần nhất để hỏi ý kiến của cán bộ xuất nhập cảnh và có đủ thông tin cần thiết trước khi sang Áo. Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề cụ thể nào, nhưng tôi cũng không biết tất cả các quy định về vấn đề này. Như vậy để chắc chắn, cháu cần kiểm tra thông tin với cơ quan xuất nhập cảnh gần nhất và trao đổi với họ để có câu trả lời chính xác và cụ thể nhất.

 

Câu hỏi: Tôi là một cán bộ viên chức nhà nước, đang làm việc cho một cơ quan ViệtNam. Tôi muốn sang Mỹ du học. Tôi đã có bằng cử nhân do một trường đại học ViệtNam cấp. Vậy nếu tôi sang Mỹ, bằng của tôi có được chấp nhận hay không và tôi có thể bắt đầu học thạc sỹ luôn hay không? Liệu tôi có cần học thêm để đáp ứng yêu cầu của trường đại học Mỹ hay không?

Đại sứ Michalak: Đây là một câu hỏi rất hay. Với những câu hỏi hay, câu trả lời thường không đơn giản.Vấn đề bạn quan tâm phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm bạn được cấp bằng, bằng đó là bằng gì, trong lĩnh vực nào, bạn định học gì ở Mỹ, khi nào bạn sẽ sang Mỹ, v.v.Như vậy, với câu hỏi hết sức cụ thể của bạn, tôi tin rằng nếu bạn tham khảo trang web của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, bạn sẽ tìm thấy đường link kết nối bạn đến các chuyên gia tư vấn cho sinh viên của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ (IIE). Các chuyên gia này sẽ trao đổi với bạn qua mạng và giúp bạn giải đáp các câu hỏi cụ thể giống như câu bạn vừa hỏi tôi. Họ cũng có thể giúp tìm các trường phù hợp nhất cho bạn. Họ có rất nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này và tôi cho rằng thảo luận với họ sẽ rất bổ ích. Tôi cũng muốn nói với các bạn là cán bộ, công chức nhà nước rằng đôi khi các trường đại học Mỹ cũng xem việc các bạn làm công việc nhà nước là một trong những yêu cầu học thuật nhất định để chấp nhận các bạn vào học. Như vậy, một lần nữa tôi cho rằng với những câu hỏi hết sức cụ thể như của bạn, bạn cần có thêm nhiều thông tin. Do đó bạn cần trao đổi với các chuyên gia, có thể là chuyên gia của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ, để có câu trả lời thỏa đáng nhất.

 

Câu hỏi: Tôi sắp tốt nghiệp môn kinh tế tại một trường đại học của Liên bang Nga. Nếu tôi nhận bằng vào tháng 3 hoặc tháng 5, tôi có thể bắt đầu khóa học thạc sỹ ở Mỹ vào tháng 9 năm nay hay không? Tôi nên theo học ở trường nào?

Đại sứ Michalak: Tôi nghĩ là có thể. Nhưng bạn cần phải nhanh chóng hoàn thành các giấy tờ cần thiết để xin visa đi học và xin nhập học. Hiện giờ đã có nhiều sinh viên đăng ký nhập học các khóa học mùa thu năm nay. Do đó bạn cần tiến hành các công việc cần thiết từ ngay bây giờ.Tuy nhiên, tôi cho rằng bạn cần bắt đầu với việc tham khảo trang web của Đại sứ quán. Nếu bạn đang ở Nga, bạn cũng vẫn có thể vào trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh như tôi đã đề cập, cũng như trang web của IIE. Bạn có thể sử dụng các nguồn này để tìm kiếm tất cả các thông tin cần thiết. Nhưng có lẽ bạn cần nhanh chân lên vì thời gian của bạn không còn nhiều.

 

Câu hỏi: Thưa ông Đại sứ, em gái tôi chuẩn bị sang Mỹ theo diện bảo lãnh và sẽ có quốc tịch Mỹ. Em gái tôi đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế tại Việt Nam. Vậy trong khi chờ đợi sang Mỹ, em gái tôi có thể xin học bổng của Mỹ hay không?

Đại sứ Michalak: Có. Bạn vẫn có thể xin học bổng của Mỹ. Có lẽ bạn sẽ cần trao đổi với cán bộ lãnh sự để xem bạn cần loại visa nào. Có thể bạn sẽ phải xin một loại visa đặc biệt nào đó. Tôi không biết chắc đó là loại visa nào. Nhưng tôi biết bộ phận lãnh sự tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất vui lòng trả lời câu hỏi này với đầy đủ chi tiết hơn.

 

Câu hỏi: Chúng ta có câu hỏi của một độc giả đến từ một thành phố miền trung ViệtNam. Thưa ông Đại sứ, hiện tại thành phố chúng tôi đang xây dựng một chương trình đào tạo theo đó chúng tôi muốn đưa các cán bộ nhà nước đi học ở nước ngoài. Hoa Kỳ là một trong những nơi chúng tôi muốn gửi cán bộ đến. Ông Đại sứ có thể cho biết họ có thể được hưởng chế độ ưu đãi hoặc trợ giúp đặc biệt nào không?

Đại sứ Michalak: Hoàn toàn có thể. Tôi sẽ rất vui nếu được nghe cụ thể về chương trình đào tạo của các bạn, cũng như mục tiêu và mục đích của chương trình đó. Cũng có thể chúng tôi sẽ có hình thức hỗ trợ nào đó. Điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng của từng cán bộ và mục đích người đó muốn đạt được khi đến Mỹ. Tuy nhiên, tôi khuyên các bạn nên viết thư đến trưởng bộ phận Văn hóa-Thông tin của Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Mỹ.Địa chỉ liên hệ có trên trang web của Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở phần “Hãy liên hệ với chúng tôi-Contact us”. Thông tin bạn gửi cho chúng tôi càng nhiều thì chúng tôi càng có khả năng cho bạn biết chương trình nào là phù hợp với từng đối tượng cán bộ của bạn.

 

Câu hỏi: Tôi nghĩ Ngài có thể phát biểu kết luận tại đây.

Đại sứ Michalak: Tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn ở Báo Tiền phong đã cho tôi cơ hội giao lưu trực tuyến với độc giả Việt Nam. Tôi rất mừng khi nhìn vào số câu hỏi hết sức cụ thể và chi tiết về vấn đề giáo dục mà chúng tôi đã cố gắng trả lời các bạn tại đây hôm nay. Rất tiếc đã lâu tôi không làm các công việc về visa nên không thể trả lời chi tiết cho từng câu hỏi cụ thể của các bạn. Do đó, tôi khuyến khích các bạn vào thăm trang web và gửi câu hỏi đến bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bạn sẽ có câu trả lời từ các viên chức lãnh sự của chúng tôi; họ nắm rõ từng quy định về vấn đề này hơn tôi. Điều tôi muốn đảm bảo chắc chắn là những người tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay sẽ không e ngại khi tìm kiếm thêm thông tin. Đừng sợ đặt câu hỏi. Nước Mỹ rất muốn chào đón các bạn đến một trường đại học của mình. Chúng tôi tin tưởng vào quyết tâm lớn, kỹ năng và phẩm chất tốt của sinh viên Việt Nam. Chúng tôi muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa sinh viên Việt Nam đến Mỹ du học. Các bạn hãy tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng bạn nhận được câu trả lời thỏa đáng. Cá nhân tôi sẽ tiếp tục làm những gì có thể để phối hợp với Chính phủ Mỹ, Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân của Mỹ và các trường đại học Mỹ để tăng cường hơn nữa cơ hội cho sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ cũng như cho sinh Việt Nam đang học tập tại Việt Nam.Cảm ơn các bạn đã tham gia buổi giao lưu. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục đối thoại với các bạn qua Internet trong tương lai, và có lẽ về các chủ đề khác. Một lần nữa cảm ơn các bạn.

 (Thông tin lấy từ website ĐSQ Mỹ)

Đăng ký tư vấn

Zalo
service_detail-service