Những thay đổi áp dụng lần này đối với visa sinh viên (hạng 4) và visa dành cho người đi làm sau khi tốt nghiệp (một phần của visa hạng 1) được Vương quốc Anh khẳng định nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đầu vào của sinh viên quốc tế và đảm bảo chỉ những sinh viên giỏi mới có thể theo học, cũng như ở lại làm việc tại Anh. Tuy nhiên, những thay đổi lần này cho thấy du học Anh ngày càng khó và cơ hội ở lại làm việc sau tốt nghiệp khá mong manh.
Tăng chứng minh tài chính DU HỌC ANH
Khó khăn trước mắt là yêu cầu chứng minh tài chính đã tăng lên. Khi xin VISA sinh viên, ứng viên cần chứng minh có thể đảm bảo về mặt tài chính cho cuộc sống học tập của mình tại Vương quốc Anh. Hiện nay mức sống, giá cả tại Anh tăng ở mức cao, do đó du học sinh phải chứng minh được rằng mình sở hữu số tiền tối thiểu sẵn có để trang trải cho chi phí sinh hoạt tại đây trong suốt quá trình học.
Theo đó, để trang trải chi phí sinh hoạt cho mỗi tháng của khóa học với thời gian dài nhất lên đến chín tháng, du học sinh theo học các trường tại London cần chứng minh có tối thiểu 1.000 bảng Anh/tháng (trước đây là 800 bảng Anh); đối với du học sinh học tại những vùng khác ngoài London, số tiền cần chứng minh là 800 bảng Anh/tháng (trước đây 600 bảng Anh). Ngoài ra, khoản tiền yêu cầu đối với người phụ thuộc và đối với những trường hợp xin thị thực hạng 4 (thị thực học sinh nhỏ tuổi - Tier 4 “Child student”) cũng tăng lên.
Khống chế thời gian học
Với visa hạng 4, du học sinh chỉ được ở lại Vương quốc Anh tối đa 5 năm để học tập chương trình học có cấp bằng. Ngoài ra, thời gian học tập sẽ được kéo dài hơn 5 năm đối với những trường hợp ngoại lệ sau: Nếu khóa học bậc ĐH kéo dài bốn hoặc năm năm và du học sinh muốn theo học tiếp khóa học cao học hay tiến sĩ (tại các đơn vị được chứng nhận hoặc các trường công); nếu học các khóa học chuyên ngành kéo dài hơn ba năm về kiến trúc, y khoa, nha khoa, khoa học và y học thú y, luật, nhạc (tại một học viện âm nhạc).
Cục Biên giới Anh cho biết có nhiều chương trình ĐH kết thúc trong vòng ba năm và rất nhiều chương trình thạc sĩ chỉ cần một năm để hoàn thành. Như vậy hầu hết sinh viên quốc tế sẽ học tập các khóa học có tổng thời gian nằm trong khung hạn chế 5 năm. Đối với ngoại lệ là sinh viên theo học thạc sĩ sau khi hoàn thành cử nhân, thời gian gia hạn là sáu năm; còn học tiến sĩ sẽ giới hạn đến tám năm. Theo cách tính này, du học sinh đã bị khống chế thời gian học, không được phép trượt nhiều lần trong khi học, đồng nghĩa với việc không thể ở Anh lâu hơn.
Thắt chặt quy định về thời gian thực tập
Nhiều du học sinh quốc tế học tập tại Vương quốc Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland mong muốn làm việc trong quá trình học tập để có nguồn hỗ trợ thêm về tài chính, tăng thêm kinh nghiệm làm việc và hiểu biết thêm về cộng đồng địa phương. Và đối với một số sinh viên, thực tập còn là một phần của khóa học. Như vậy, với visa hạng 4, du học sinh được quyền làm việc tại Vương quốc Anh song song với việc học, toàn thời gian trong các ngày nghỉ, nghỉ lễ và bán thời gian trong tuần.
Tuy nhiên, trong cải cách quy định visa sinh viên lần này, du học sinh quốc tế cũng bị thắt chặt quy định về thời gian thực tập. Thay vì có thể thực tập tối đa bằng 1/2 thời gian của khóa học như trước đây thì nay du học sinh bậc dưới ĐH hoặc đang học tại một đơn vị không phải trường ĐH, thời gian thực tập giảm xuống còn 1/3 trong tổng thời gian một khóa học; còn du học sinh bậc ĐH hoặc cao hơn vẫn có thể thực tập tối đa 50% thời gian của khóa học.
Không dễ làm việc tại Anh sau tốt nghiệp
Từ ngày 6-4-2012, chương trình làm việc sau tốt nghiệp (một quyền lợi của visa hạng 1) sẽ không được cấp cho các hồ sơ nộp mới. Điều này có nghĩa là việc ở lại 2 năm làm việc sau tốt nghiệp dành cho du học sinh không còn được áp dụng.
Nếu du học sinh muốn làm việc tại nước Anh, xứ Wales hoặc Bắc Irelandsau khi hoàn thành chương trình học của mình thì cần xin visa hạng 2 (loại phổ thông). Visa hạng 2 được cấp cho sinh viên vừa mới tốt nghiệp với bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chứng chỉ và bằng sau ĐH về giáo dục (PGCE và PGDE) được cấp bởi một trường hoặc đơn vị giáo dục được công nhận bởi Cục Biên giới Anh. Tuy nhiên, có được visa này để được ở lại Anh làm việc 2-3 năm là một điều cực khó.
Trước hết, sinh viên tốt nghiệp chỉ có thể nộp hồ sơ xin cấp thị thực này khi đã được tuyển dụng vào một công việc có chuyên môn bởi một công ty hay tổ chức được công nhận bởi Cục Biên giới Anh. Kế đến là công việc này cũng cần phải đạt được các tiêu chí nhất định về lương bổng. Nếu mức lương hằng năm dưới 150.000 bảng Anh, thời hạn từ ngày 6-4-2012 đến ngày 5-4-2013, Vương quốc Anh chỉ cấp tối đa 20.700 visa loại này. Còn nếu mức lương hằng năm từ 150.000 bảng Anh trở lên thì không giới hạn số lượng visa được cấp. Quy định này thay thế cho quy định về làm việc sau tốt nghiệp trước đây, trong đó cho phép sinh viên ở lại làm các công việc không yêu cầu chuyên môn.
Ngoài ra, để có thể ở lại làm việc tại Anh, sinh viên đã tốt nghiệp cũng có thể cân nhắc xin visa hạng 5 dành cho đối tượng lao động tạm thời (Tier 5 “Temporary worker visa”). Để hội đủ điều kiện xin này cần phải được tuyển dụng bởi một đơn vị tuyển dụng có thẩm quyền bảo lãnh được Cục Biên giới Anh cấp phép; vượt qua tiêu chí đánh giá kiểm định theo thang điểm của Cục Biên giới Anh (đạt đủ 40 điểm).
Visa dành cho sinh viên là chủ doanh nghiệp
Một loại visa mới mà chính phủ Anh đang bắt đầu triển khai mang tên visa hạng 1 dành cho đối tượng chủ doanh nghiệp là sinh viên mới tốt nghiệp (Tier 1 “Graduate entrepreneur”). Trong năm đầu tiên triển khai sẽ có số lượng giới hạn là 1.000 visa được cấp theo chương trình này dành cho doanh nhân trẻ mới tốt nghiệp muốn ở lại Vương quốc Anh làm việc.
Với visa này, du học sinh phải được bảo lãnh bởi trường mà du học sinh theo học. Các trường ĐH của Vương quốc Anh đăng ký tham gia chương trình sẽ đóng vai trò là “đơn vị bảo lãnh” nhập cảnh cho du học sinh. Dạng visa này đòi hỏi du học sinh phải hoàn thành một khóa học được cấp bằng tại Vương quốc Anh; phải phát triển các ý tưởng và năng lực điều hành của mình bằng việc thành lập một công việc kinh doanh tại Vương quốc Anh.
(Theo Pháp luật TP.HCM)