Úc có 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ. Các tiểu bang gồm New South Wales, Queensland, Nam Úc, Tasmania, Victoria và Tây Úc. Hai vùng lãnh thổ chính là Lãnh thổ phía Bắc (Northern Territory) và Lãnh thổ thủ đô (Australian Capital Territory). Lãnh thổ thủ đô kết hợp với một vùng lãnh thổ riêng biệt nằm trong New South Wales gọi là Lãnh địa vịnh Jervis (Jervis Bay Territory) đóng vai trò là căn cứ hải quân và cảng biển cho thủ đô.
Ngoài ra, Úc còn có một số vùng lãnh thổ bên ngoài có cư dân sinh sống (đảo Norfolk, đảo Christmas, quần đảo Cocos và Keeling) và một số không có người sinh sống như quần đảo Biển san hô (Coral Sea Islands Territory), quần đảo Heard và McDonald và lãnh địa Nam cực thuộc Úc.
LÃNH THỔ THỦ ĐÔ & CANBERRA
-
Thủ phủ: Canberra
-
Dân số: 339,900 (2007)
-
Mật độ: 144.15 người/km²
-
GNP: $57,303/người (2006)
-
Viết tắt: ACT
-
Website: www.act.gov.au
Đặc điểm địa lý & khí hậu
Lãnh thổ thủ đô nằm về hướng Đông Nam của bang New South Wales, có diện tích 2.358 km2 với những dãy núi xanh xám gồ ghề phía Tây Nam và có thủ phủ là thủ đô Canberra nằm ngay góc Đông Bắc. Việc chọn Canberra làm thủ đô là do sự thoả hiệp giữa 2 thành phố lớn nhất nước Úc là Melbourne và Sydney. Cái tên 'Canberra' được lấy từ tiếng thổ dân Ngunnawal, có nghĩa là "nơi gặp mặt".
Những cánh rừng, rặng núi hùng vĩ, những dòng sông nguyên sơ cùng các hồ nước ở công viên Quốc Gia Namadgi chiếm 40% diện tích khu vực lãnh thổ thủ đô.
Khí hậu ở đây có 4 mùa rõ rệt. Vào mùa hè, khí hậu ở đây khá nóng và khô. Mùa đông thời tiết lạnh, thỉnh thoảng có lúc nắng đẹp, gió nhẹ và buổi sáng sớm thường có sương mù. Những đêm đông tháng Bảy, nhiệt độ đôi khi xuống khoảng 0oC. Khu vực thủ đô ít khi có tuyết rơi nhưng ở các rặng núi thuộc công viên Quốc Gia Namadgi thì tuyết phủ gần hết mùa đông.
Những nét đặc trưng
Hầu hết đại sứ quán các nước đều tập trung ở Canberra, hình thành một cộng đồng đa văn hóa. Ngoài ra Canberra còn là nơi có nhiều công trình kiến trúc nổi bật như tòa nhà Nghị viện cũ, tòa nhà Nghị viện mới, Bảo tàng Quốc gia, đài tường niệm chiến tranh … Việc đi lại trong thủ đô rất nhanh chóng, dễ dàng. Lãnh thổ thủ đô lại gần với các khu trượt tuyết ở vùng Snowy Mountains và những bãi biển ở phía Nam của bang New South Wales, vì vậy những chuyến đi chơi trong ngày là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Giáo dục
Phần lớn các cơ sở giáo dục của Lãnh thổ thủ đô nằm tại Canberra. Tại đây có 2 đại học nổi tiếng là Đại học quốc gia Úc và Đại học Canberra. Tỉ lệ dân số có bằng cử nhân cao hơn các vùng, bang khác ở Úc.
NEW SOUTH WALES (NSW) & SYDNEY
“First State, Premier State”
-
Thủ phủ: Sydney
-
Dân số: 6.889.100 (2007)
-
Mật độ: 8,6 người/km²
-
GNP: $45,153/người (2004-2005)
-
Viết tắt: NSW
-
Website: www.nsw.gov.au
Đặc điểm địa lý và khí hậu
NSW có thể được tạm chia thành bốn vùng: vùng duyên hải; vùng núi Great Dividing Range nằm sâu trong đất liền cách bờ biển khoảng 100km, vùng núi Blue Mountains nằm về phía Tây Sydney và vùng núi Snowy Mountains ở miền Nam.
Phía Tây dãy Great Dividing Range là vùng đất nông nghiệp: các vùng đồng bằng khô ráo chiếm 2/3 diện tích tiểu bang. Các vùng đồng bằng chạy dần vào đất liền về hướng tây nơi nhiệt độ có khi hơn 40ºC. Các dòng sông chính ở NSW là Murray và Darling chạy về hướng tây băng qua các đồng bằng. Vào mùa đông, dãy núi Snowy Mountains (tạm dịch dãy Tuyết Sơn) tuyết phủ rất đẹp.
Thủ phủ của NSW là thành phố Sydney, thành phố sôi động và nổi tiếng nhất nước Úc. Sydney được thiên nhiên ưu đãi với một khí hậu ôn hòa, mùa hè nhiệt độ ban ngày trung bình khoảng 250C và 200C vào ban đêm. Khí hậu mùa đông thường mát, trung bình khoảng 200C vào ban ngày. Tiết trời đẹp nhất vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 10 đến tháng 11, ban ngày trời ấm và quang đãng, ban đêm mát mẻ.
Những nét đặc trưng
Phong cách sống ở NSW rất đa dạng: cuộc sống năng động ở 1 thành phố lớn nhộn nhịp, tiện nghi như Sydney, hay cuộc sống thư nhàn thoái mái ở vùng duyên hải South Coast & North Coast. NSW tập trung rất nhiều địa chỉ du lịch hấp dẫn của nước Úc như: cầu cảng Sydney, nhà hát Opera House, những tòa nhà cổ kính thời thuộc địa, viện bảo tàng Hải dương học quốc gia, khu trượt tuyết Snowy Mountains, công viên quốc gia Namadgi, bờ biển Bondi, hay các cảng biển tại Newcastle …
Giáo dục
Có 11 trường đại học lớn tại bang NSW, trong đó 6 trường đại học có cơ sở nằm trong thành phố Sydney. Một số trường nổi tiếng có thể kể đến như ĐH Sydney (đại học lâu đời nhất nước Úc), ĐH New South Wales, ĐH Kỹ thuật Sydney, ĐH Maquarie, ĐH Newcastle, ĐH Wollongong.
QUEENSLAND (QLD) & BRISBANE
“Sunshine State, Smart State”
-
Thủ phủ: Brisbane
-
Dân số: 4.264.590 (2007)
-
Mật độ: 2.35/km²
-
GNP: $40,170/ người (2004 – 2005)
-
Viết tắt : QLD
-
Website: www.qld.gov.au
Queensland là tiểu bang rộng thứ nhì tại Úc sau bang Western Australia và là bang đông dân thứ ba sau NSW & Victoria. Thủ phủ của Queensland là thành phố Brisbane, khu vực phía Nam tiểu bang, gần ranh giới với bang NSW. Khí hậu đầy nắng ấm của Brisbane khiến nơi đây trở thành một nơi lý tưởng cho cuộc sống thư giãn đầy ánh mặt trời. Nhiệt độ trung bình tại đây từ 180C - 280C vào mùa hè và 140C - 240C vào mùa đông. Khí hậu vùng Bắc Queensland nghiêng về 2 mùa mưa – nắng hoặc mát - khô thay vì rõ rệt mùa hè và mùa đông. Trong khoảng thời gian sáu tháng từ tháng 11 - 12 đến tháng 4 - 5 trời nóng và mưa nhiều hơn, thời tiết dễ chịu nhất là từ tháng 6 đến tháng 8.
Queensland là trung tâm du lịch nổi tiếng của nước Úc nhờ những bãi biển trải dài nối tiếp nhau với bờ cát trắng mịn như Gold Coast, Sunshine Coast; rặng san hô tuyệt đẹp Great Brarrier Reef – một trong bảy kì quan của thế giới, hay những khu rừng nhiệt đới ngoạn mục cùng các công viên quốc gia nổi tiếng cả nước... Du lịch là ngành công nghiệp mũi nhọn của Queensland.
Giáo dục
Tại Queensland có tất cả 9 trường đại học, trong đó có một số khá phổ biến với các học sinh, sinh viên Việt Nam gần đây như Đại học Queensland, Đại học Griffith, Đại học Kỹ thuật Queensland (Queensland University of Technology) … Các sinh viên có thể kiếm việc làm bán thời gian khá dễ dàng trong ngành du lịch nhờ một số lượng rất lớn khách du lịch đến Queensland quanh năm.
VICTORIA (VIC) & MELBOURNE
"Garden State", "The Place to Be"
-
Thủ phủ: Melbourne
-
Dân số: 5,205,200 (2007)
-
Mật độ: 22.92/km²
-
GNP: $44,443/người (2004 – 2005)
-
Viết tắt: VIC
-
Website: www.vic.gov.au
Tuy là tiểu bang nhỏ nhất về diện tích, nhưng Victoria có mật độ dân số cao thứ nhì nước Úc, chỉ sau bang NSW. Victoria là thủ đô nghệ thuật của Úc, nơi tọa lạc những viện bảo tàng và những nơi giải trí bậc nhất cả nước. Thủ phủ của Victoria là thành phố Melbourne, nơi tập trung hơn 70% dân số của tiểu bang.
Thời tiết tại Melbourne thay đổi liên tục trong ngày, đôi khi ta cảm nhận được có cả bốn mùa trong cùng một ngày. Nhiệt độ trung bình vào mùa đông khoảng 6°C đến 13°C, mùa hè từ 23°C đến 26°C. Vào mùa đông, các đỉnh núi cao có tuyết phủ. Vùng có tuyết ở gần Melbourne nhất là núi Mt Donna Buang.
Melbourne còn là thành phố của nhiều sự kiện quốc tế hàng năm như giải quần vợt Úc mở rộng, giải Grandprix đua xe ôtô thể thức một, liên hoan hài quốc tế …
Giáo dục
Thành phố Melbourne có tất cả 9 trường đại học, trong đó có 2 trường đặc biệt nổi tiếng là Đại học Melbourne và Đại học Monash. Đây là 2 trường nằm trong số các trường đại học hàng đầu thế giới . Số lượng sinh viên quốc tế chiếm khoảng 30% tổng số sinh viên đang học tại Melbourne.
TASMANIA (TAS) & HOBART
“Island of Inspiration; The Apple Isle; Holiday Isle”
-
Thủ phủ: Hobart
-
Dân số: 493,300 (2007)
-
Mật độ: 7.21 người/km²
-
GNP: 33,243 người (2004 – 2005)
-
Viết tắt: TAS
-
Website: www.tas.gov.au
Tasmania là bán đảo duy nhất của Úc, nằm cách châu lục 240km về phía Nam giữa bang Victoria và Nam Cực. Tuy ở cách biệt với đất liền nhưng nơi đây vẫn duy trì được chất lượng đời sống cao và bầu không khí thư thái dễ chịu
Dân cư Tasmania sống tập trung ở các vùng duyên hải phía Bắc và Đông Nam nơi có những vùng đất nông nghiệp trù phú và gần biển. Ngược lại ở khu vực duyên hải miền Tây và Tây Nam thì hoang sơ và hẻo lánh. Nằm sâu trong đất liền về hướng Tây và Tây Nam là rừng rậm và núi non được coi là khu vực hoang dã rộng lớn cuối cùng trên thế giới. Hầu hết những nơi này đã được liệt vào danh sách khu vực Di Sản Thế Giới.
Thủ phủ của Tasmania là thành phố Hobart, thành phố lâu đời thứ hai của Úc. Khí hậu có bốn mùa rõ rệt. Vào mùa hè, thời tiết ban ngày nói chung ấm áp và mát mẻ về đêm. Ðiều kiện thời tiết tốt thường kéo dài đến tháng 3 trước khi trời chuyển lạnh. Mùa đông ở Tasmania thì ẩm ướt, lạnh và có bão, nhất là khu vực phía Tây. Trên các đỉnh núi cao có tuyết phủ phù hợp cho việc nghỉ mát và trượt tuyết.
Tasmania được xem là nơi tập trung những phong cảnh ngoạn mục như Công viên quốc gia đảo Maria, nơi hội tụ những quần thể hóa thách cổ cùng với nhiều khu rừng tuyệt đẹp để thám hiểm; đảo Bruny - nơi bảo tồn động vật hoang dã; khu trung tâm lịch sử của thành phố - Battery Point …
Tại đây chỉ có một trường Đại học duy nhất là Đại học Tasmania.
NAM ÚC (SA) & ADELAIDE
-
Thủ phủ: Adelaide
-
Dân số: 1,584,500 (2007)
-
Mật độ: 1.61/km²
-
GNP: $38,838/ người (2004 – 2005)
-
Viết tắt: SA
-
Website: www.sa.gov.au
Tiểu bang Nam Úc nằm ngay dưới Lãnh thổ phiái bắc với mật độ dân cư thưa thớt. Hầu hết người dân Nam Úc sống ở thủ phủ Adelaide, và có một lối sống rất thư nhàn với những bãi biển xinh đẹp và những công viên tươi xanh.
Khí hậu ở đây dịu mát quanh năm. Ở Adelaide, nhiệt độ trung bình từ 13°C đến 24°C vào mùa hè và từ 9°C đến 19°C vào mùa đông. Tuy nhiên phía trên của bang thì hoàn toàn khác, nhiệt độ ở thị trấn mỏ đá quí nổi tiếng Coober Pedy có thể tăng vụt lên đến hơn 40°C vào mùa hè. Để tránh rủi ro do sức nóng kinh khủng này có thể biến cơ thể mình thành nước, hầu hết người dân ở Coober Pedy sống trong những căn nhà xây dưới lòng đất hoặc bên sườn núi, nơi mà nhiệt độ thấp hơn.
Nam Úc ngày nay được xem là tiểu bang của lễ hội, tiểu bang của rượu vang. Do tại đây có nhiều lễ hội, liên hoan nghệ thuật, sự kiện văn hóa cũng như là vùng sản xuất rượu vang hàng đầu nước Úc. Sinh viên có thể tìm được nhiều việc làm ở những vườn nho vào mùa thu hoạch trên khắp bang từ tháng Tám đến tháng Mười hai. Thung lũng Barossa là một thiên đường cho những người yêu thích rượu vang.
Giáo dục
Có 3 trường đại học tại Nam Úc bao gồm Đại học Nam Úc, Đại học Adelaide, Đại học Flinders. Trong đó, Đại học Adelaide nằm trong nhóm 8 trường đại học hàng đầu của Úc.
LÃNH THỔ BẮC ÚC (NT) & DARWIN
-
Thủ phủ: Darwin
-
Dân số: 215,000 (2007)
-
Mật độ: 0.16/km²
-
GNP: $51,634/ người (2004 – 2005)
-
Viết tắt: NT
-
Website: www.nt.gov.au
Lãnh thổ phía Bắc nằm ở cực Bắc của nước Úc, giữa bang Tây Úc và bang Queensland. Khu vực rộng lớn này có diện tích khoảng 1,35 triệu km2 với dân số chỉ khoảng 190.000 người. Đa số dân cư tập trung ở thủ phủ Darwin – thành phố nằm ở ven biển Timor, đối diện với Indonesia. Một thị trấn quan trọng khác là Alice Springs nằm ở trung tâm địa lý của đất nước. Alice Springs là trung tâm của nền văn hóa thổ dân truyền thống của nước Úc và là nơi bạn có thể tìm thấy khối đá đỏ nổi tiếng thế giới Uluru.
Khí hậu nơi đây quanh năm khá oi bức. Một phần tư lãnh thổ phía trên có khí hậu nhiệt đới. Ở Darwin nhiệt độ trung bình từ 25°C đến 33°C trong suốt mùa hè. Vào mùa đông, nhiệt độ ban đêm xuống còn 21°C và ban ngày là 31°C. Ba phần tư lãnh thổ phía dưới chủ yếu là sa mạc hoặc vùng đồng bằng khá cằn cỗi. Nếu ban ngày ở đây cực nóng thì ban đêm lại vô cùng lạnh. Ở Alice Springs, nhiệt độ trung bình vào những tháng hè từ 17°C đến 35°C, và từ 9°C đến 23°C vào mùa đông.
Giáo dục
Tại lãnh thổ Bắc Úc có 1 trường đại học duy nhất là Đại học Charles Darwin. Trường thành lập năm 1987, hiện nay có khoảng 19,000 sinh viên đang theo học. Ngoài ra, lãnh thổ còn có 2 trường nằm trong hệ thống các trường Cao đẳng công lập (TAFE).
TÂY ÚC (WA) & PERTH
-
Thủ phủ: Perth
-
Dân số: 2,105,800 (2007)
-
Mật độ: 0.83/km²
-
GNP: $53,134/ người (2005 – 2006)
-
Viết tắt: WA
-
Website: www.wa.gov.au
WA là tiểu bang rộng nhất nước Úc, chiếm một phần ba diện tích của cả nước và có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ như Kimberly - một vùng đất hoang vu và gồ ghề ở miền cực bắc tiểu bang với một bờ biển ngoằn ngoèo và các vực núi sâu thật ấn tượng trong nội địa; Pilbara, ở vùng tây bắc, là vùng đất đá cổ xưa và vực núi sâu hùng vĩ. Ngoài vùng ven biển, hầu hết đất đai nằm sâu trong nội địa là những vùng đất hoang vu xa xôi hẻo lánh: dọc theo vùng đất rộng lớn bằng phẳng Nullarbor Plain và sa mạc cát Great Sandy Desert là hai sa mạc Gibson và Great Victoria Desert, chiếm gần hết diện tích tiểu bang. Góc tây nam, một phần nhỏ của tiểu bang, là những cánh rừng và đồng nho bát ngát.
Tuy nhiên, diện tích khổng lồ không có nghĩa là có dân cư đông đúc . Dân số toàn bang chỉ khoảng 2 triệu người, bằng phân nửa so với dân số của Sydney. Hầu hết dân cư sinh sống tại thủ phủ Perth, nằm bên bờ Ấn Độ Dương. Nhiệt độ tại Perth hầu như hoàn hảo suốt năm,. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè khoảng 15°C đến 26°C, và mùa đông thì từ 12°C đến 21°C .
Nền kinh tế phát WA phát triển mạnh mẽ, sôi động và khá độc lập với các thành phố khác. Thu nhập bình quân đầu người ở WA cao hơn tất cả các bang khác của Úc. Tại đây, sinh viên có rất nhiều cơ hội việc làm với thu nhập hấp dẫn hơn so với ở các thành phố lớn khác như Sydney hay Melbourne.
Với chi phí sinh hoạt vừa phải, nhiều cơ hội việc làm, Perth ngày càng thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học tại các trường đại học tại đây như ĐH Tây Úc, ĐH Curtin, ĐH Murdoch, ĐH Edith Cowan và ĐH Notre Dame.
OPERA SYDNEY HOUSE
Nhà hát Opera Sydney là một công trình kiến trúc độc đáo với hình dạng con sò hay những cánh buồm no gió ra khơi. Đây được xem là biểu tượng của Sydney nói riêng và nước Úc nói chung, do kiến trúc sư nổi tiếng người Đan Mạch Jorn Utzon thiết kế. Từ ngày mở cửa năm 1973 cho đến nay, nhà hát Opera Sydney đã thu lại gấp nhiều lần số vốn đầu tư ban đầu 120 triệu đô Úc và là trung tâm văn hóa thu hút du khách khắp mọi nơi. Vào năm 2007, nhà hát này đã được UNESCO công nhận là di sản của thế giới.
Kiến trúc nhà hát
Tọa lạc trên mũi đất Bennelong tuyệt đẹp đối diện cầu cảng Sydney, nhà hát Opera Sydney hiện nay là một cụm phức hợp các phòng hòa nhạc và triển lãm, với hai phòng lớn trong khối mái hình vỏ sò và các phòng còn lại trong hai tầng đế phía dưới. Một trong hai khán phòng lớn nhất được thiết kế dành cho hòa nhạc với sân khấu chính ở trung tâm và 2679 chỗ ngồi với tầm nhìn từ 4 hướng. Khán phòng chính còn lại là nhà hát Opera 1547 chỗ ngồi với sân khấu và khu vực nhạc công có thể nâng lên, hạ xuống. Các không gian còn lại gồm 4 nhà hát nhỏ, 1 phòng thu âm tập thể (nay là thư viện), 5 phòng diễn tập, 4 nhà hàng, 6 quầy bar và nhiều tiệm bán đồ lưu niệm. Lối vào hành lang trung tâm của tòa nhà nằm trên tầng 1, trong khi các phòng còn lại có thể ra vào bằng nhiều cửa bên hông. Nội thất của tòa nhà được trang hoàng bằng đá granite, gỗ và ván ép, tất cả đều là vật liệu nội địa từ bang New South Wales, Úc. Nổi bật trong khán phòng lớn nhất của nhà hát là chiếc đại phong cầm trị giá 1.2 triệu đô la Úc, hoàn thành vào năm 1979.
-
Sảnh hòa nhạc có 2679 chỗ, là nơi có cây đàn organ dạng cơ khí lớn nhất thế giới (đại phong cầm) với hơn 10.000 ống sáo.
-
Nhà hát opera với 1547 chỗ là nơi biểu diễn chính của Opera Australia
-
Nhà hát kịch có 544 chỗ.
-
Rạp hát (playhouse) có 398 chỗ
-
Nhà hát studio có 364 chỗ.
Nếu có dịp đến gần chiếc mái cong vút hình vỏ sò của nhà hát Sydney, bạn sẽ thấy chúng không phải một màu trắng đơn điệu như những hình chụp trong sách. Phủ kín cả hệ thống mái vòm nhà hát là hơn 1 triệu miếng gạch ốp xinh xắn với hai sắc độ trắng khác nhau được xếp xen kẽ tạo nên vẻ lung linh huyền ảo. Tất cả các cột, đà, vòm và đặc biệt cả những mảng mái hình vỏ sò đều được đúc từ nơi khác rồi chở đến công trường và lắp ghép lại với nhau. Ngắm nhìn nhà hát Sydney vào những buổi chiều nắng dịu, bạn sẽ thấy hình những múi cam duyên dáng và những đường nét ca-rô tinh tế phủ khắp những chiếc mái của công trình. Công trình tuy đồ sộ nhưng lại có vẻ ý nhị và gần gũi nhờ những đường nét như vậy.
Trung tâm lễ hội
Ngoài chức năng là nhà hát, nhà hát Opera Sydney cũng là trung tâm của những lễ hội lớn, nơi tổ chức đám cưới, tiệc và hội nghị.
Hàng năm, vòng chung kết Australian Idols được tổ chức tại khán phòng chính của nhà hát này, thu hút hơn hàng trăm khán giả đến dự, cũng như hàng triệu người theo dõi trên màn ảnh nhỏ. Với khuôn viên rộng và tầm nhìn tuyệt đẹp ra cầu cảng Sydney cũng như các vịnh lớn nhỏ kề cận, Sydney Opera House là điểm đến số một vào dịp cuối năm, khi hàng ngàn người hân hoan kéo về đây tham dự lễ bắn pháo hoa chúc mừng năm mới. Không thể tìm ra một bàn trống tại các nhà hàng chung quanh khu vực này vào đêm giao thừa, vì chúng đã được đặt chỗ trước đó nhiều tháng. Khi những cột pháo hoa liên hoàn thắp sáng toàn bộ khu trung tâm thành phố, người dân Sydney chúc mừng nhau năm mới trong tiếng hát và nụ cười rạng rỡ.
Phong cảnh Australia
Câu cá tại bờ biển Batemans Bay, bang New South Wales.
Cây cối trụi khô khi trong mùa hạn hán ở Australia
Bãi cỏ xanh mướt dưới chân ngọn hải đăng trên bờ biển Wollongong, ban New South Wales
Hàng cây soi bóng bên hồ Narang ở thủ đô Canberra vào mùa thu.
Đồi Vernon, điểm trung tâm của thủ đô Canberra.
Bãi biển Sunrise (Bình minh), bang New South Wales.
Hoàng hôn ở Canberra.
Cầu cảng ở bãi biển Batemans, bang New South Wales.
Mùa thu trong công viên trung tâm thủ đô Canberra.