Trong giai đoạn từ năm 1987-1995, khi VN chuyển sang kinh tế thị trường, một số ý tưởng của mô hình GDĐH Hoa Kỳ đã được tái du nhập vào VN một cách gián tiếp. Từ sau năm 1995, với sự bình thường hóa quan hệ giữa VN và Hoa Kỳ, cánh cửa giữa hai nước đã được rộng mở, những người làm chính sách và cộng đồng GDĐH VN hiểu biết nhiều hơn về đất nước và nền GDĐH Hoa Kỳ. Do đó, những chủ trương về thiết kế cơ cấu hệ thống trình độ với ba mức bằng cấp chính cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, về đại chúng hóa GDĐH, về tăng cường mở rộng việc áp dụng học chế tín chỉ, về xây dưng hệ thống CĐ cộng đồng, về mở rộng hệ thống các trường ĐH ngoài công lập, về hệ thống kiểm định công nhận chất lượng... đã được thúc đẩy thực hiện và tìm được sự đồng thuận cao trong cộng đồng GDĐH VN. Chính phủ VN cũng thể hiện ý nguyện xây dựng một vài trường ĐH đẳng cấp quốc tế dựa vào sự giúp đỡ tư vấn của các trường ĐH Hoa Kỳ.
Trong những mục tiêu phác thảo mà GDĐH VN cần đạt tới trong kế hoạch chiến lược dài hạn đổi mới GDĐH VN đang được xây dựng, có rất nhiều ý tưởng mượn từ mô hình GDĐH Hoa Kỳ vì đó là một mô hình GDĐH thích nghi tốt nhất với nền kinh tế thị trường. Như vậy trong giai đoạn tới, các ý tưởng của mô hình GDĐH Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến GDĐH VN. Tuy nhiên khác với các giai đoạn trước đây, sự tiếp nhận ý tưởng lần này sẽ là trực tiếp và tự nguyện, do đó có thể hi vọng tiến độ áp dụng ý tưởng đó sẽ nhanh chóng và kết quả sẽ bền vững hơn trước.
Có thể học hỏi gì?
Hệ thống GDĐH Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả. Vậy thì VN có thể học được gì từ hệ thống này? Để có lời giải đáp đúng đắn, có lẽ trước hết cần nhớ một câu danh ngôn của cổ nhân, ý nói: "Cây cam sẽ là cây cam khi trồng nó ở phía nam sông Dương Tử, nhưng nó có thể trở thành cây khác khi trồng ở phía bắc con sông ấy".
Đối với VN, điều kiện kinh tế xã hội nước ta có nhiều khác biệt so với Hoa Kỳ, do đó để học tập kinh nghiệm của hệ thống GDĐH Hoa Kỳ không phải dễ dàng. Tuy hệ thống GDĐH đổi mới của chúng ta về hình thức có đôi nét gần với mô hình của Hoa Kỳ, nhưng vận hành hệ thống GDĐH của chúng ta còn rất kém năng động so với hệ thống GDĐH Hoa Kỳ.
Vì đâu có sự chênh lệch đó? Phải chăng vì giữa hai hệ thống GDĐH của hai nước có sự khác biệt cơ bản: Ở Hoa Kỳ, tính thị trường tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh trong sự vận hành hệ thống và sự điều chỉnh của nhà nước, nếu có, thường chỉ là gián tiếp. Còn ở nước ta, thói quen theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp cũ vẫn còn khá nặng nề, tác động của Nhà nước trong điều hành GDĐH vẫn thường là áp đặt trực tiếp?
VN và Hoa Kỳ khác nhau về nhiều mặt quan trọng và những mặt khác biệt này có nghĩa là những gì có thể học tập được từ Hoa Kỳ chắc chắn sẽ cần phải cải biến cho phù hợp với tình hình thực tế của VN. Mỗi một quốc gia phải xây dựng một hệ thống GDĐH cho riêng mình dựa trên thực tế và nhu cầu. Sao chép những thiết chế từ nước ngoài hiếm khi áp dụng có hiệu quả và cần phải suy nghĩ thấu đáo về những gì hữu ích cũng như những gì không phù hợp từ những kinh nghiệm của nước khác.
Những đặc trưng chính của hệ thống GDĐH Hoa Kỳ
Sự đa dạng hóa và tính đa dạng: có nhiều loại trường ĐH với những mục tiêu khác nhau, tuyển SV có những mối quan tâm và năng lực học thuật khác xa nhau, phục vụ những mục tiêu khác nhau của xã hội.
Tuyển sinh mở: bất kỳ người nào muốn theo học một trường sau trung học đều có thể được chấp nhận. Một số trường mang tính chọn lọc cao, nhưng tất cả mọi người có bằng tốt nghiệp phổ thông đều có thể được nhận vào học ở một trường nào đó.
Tính cơ động (về đội ngũ giáo chức, về SV và về kinh phí): giáo chức có thể chuyển trường, SV cũng có thể chuyển trường nếu họ không hài lòng với trường đang học hoặc nếu mối quan tâm hay năng lực học tập của họ thay đổi.
Tính cạnh tranh: cạnh tranh để có những SV giỏi nhất, những giáo chức có năng lực nhất, có nguồn kinh phí cho nghiên cứu và cả vị thế của nhà trường.
Quyền tự do học thuật: giáo chức và SV đều có quyền tự do về học thuật để theo đuổi những nghiên cứu, nêu lên những vấn đề về học thuật, về xã hội.
Tính ổn định của đội ngũ giáo chức: mặc dù đã và đang có nhiều thay đổi về bản chất của việc bổ nhiệm giáo chức và sắp xếp hoạt động học thuật, hầu hết giảng viên khối giáo dục sau trung học đều được bổ nhiệm toàn thời gian ổn định. Điều đó đem lại cho họ sự an toàn về nghề nghiệp, sự đảm bảo quyền tự do học thuật đồng thời có một mức sống chừng mực.
Sự quản lý mạnh: hiệu trưởng các trường ĐH ở Hoa Kỳ được tuyển chọn không phải bởi chính quyền hay đội ngũ giáo chức mà bởi một hội đồng quản trị gần như hoàn toàn độc lập, với đầu vào là các giáo chức nhiều năng lực.
Một nền giáo dục hướng vào SV: hầu hết các trường ĐH ở Hoa Kỳ đều tập trung vào SV: họ quan tâm, nhấn mạnh đến giảng dạy nhiều hơn là nghiên cứu. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ các trường ĐH uy tín nhất là hoàn toàn theo định hướng nghiên cứu.
Đa dạng về các nguồn kinh phí: hệ thống giáo dục Hoa Kỳ từ lâu nay vẫn phù hợp với khả năng tài chính đối với hầu hết người học thông qua nhiều cách thức cấp kinh phí khác nhau, bao gồm các khoản cho SV vay, tài trợ, học bổng của các trường, các chương trình làm việc có trả công khi học, trợ cấp của tiểu bang và tất nhiên là các khoản chi phí từ gia đình.
Theo Tuổi trẻ online